Chồng không muốn ở rể nữa, em phải làm sao đây ?
24/12/2014
Chào chuyên gia.
Em đang rất đau đầu về vấn đề gia đình của em chồng không muốn ở rể nữa, không muốn ở cùng em với gia đình bố mẹ em. Nếu ở với mẹ liệu chồng em có bỏ em không. Còn theo chồng để mẹ ở 1 mình đêm hôm như vậy em cũng không yên tâm.
Em xin kể lại tóm tắt như sau. Nhà em chỉ có 2 mẹ con. Khi yêu anh em đã thẳng thắng đặt vấn đề rằng nếu xác định cưới nhau anh phải ở cùng nhà với mẹ em vì nhà anh ở xa và vì mẹ em chỉ có 1 mình em. Em không yên tâm khi mẹ ở 1 mình. Anh đã đồng ý.
Chúng em cưới nhau và bây giờ đã có 1 cháu trai được 5 tháng tuổi. Mẹ em thì rất khó tính. Và chồng em thì cảm thấy không thoải mái khi ở cùng mẹ vợ và đang muốn đi thuê nhà để ở. Em không đồng ý. Và anh ấy bắt em phải chọn anh ấy và mẹ em.
Mẹ em biết chuyện mẹ cũng rất buồn vì bà hi vọng có chàng rể ở cùng cho gia đình có người đàn ông. Nhưng chồng em lại không chịu được sự khó tính của mẹ em. Mà thật sự thì mẹ em làm tất cả cũng vì con vì cháu mà thôi.
Bây giờ em ở giữa em hoàn toàn bối rối không biết mình phải làm gì. Nếu ở với mẹ liệu chồng em có bỏ em không. Còn theo chồng để mẹ ở 1 mình đêm hôm như vậy em cũng không yên tâm.
Mong chuyên gia cho em lời khuyên
Em gái thân mến!
Cảm ơn em đã gửi tâm sự của mình tới chương trình. Tôi hiểu và chia sẻ với những khó khăn em đang gặp phải khi đúng giữa mối quan hệ mẹ vợ – con rể. Em vừa muốn phụng dưỡng mẹ khi tuổi về già, lại vừa muốn có một cuộc sống hạnh phúc bên người chồng của mình nhưng thực tế lại cho thấy điều em mong muốn đang dần khó thực hiện.
Với hoàn cảnh gia đình neo người chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau thì việc em muốn hai vợ chồng ở cùng mẹ là điều hoàn toàn hợp lý và chồng em đã hiểu được điều này bởi chính cậy ấy đã ưng thuận ở rể khi hai người kết hôn. Tuy nhiên, khi rơi vào hoàn cảnh thực tế thì chồng em mới nhận ra rằng mọi sự không đơn giản như những gì cậu ấy đã nghĩ trước đó, nhất là khi mẹ vợ lại rất khó tính. Như vậy, ngoài việc nghĩ đến mong muốn phụng dưỡng mẹ của mình thì em cũng sẽ có sự thấu hiểu và thông cảm nhiều hơn cho người chồng của mình vì sống trong cảnh ở rể nhưng không cảm nhận được sự thoải mái, càng ngày càng thấy ngột ngạt. Em hã lựa lời phân tích để mẹ hiểu những khó khăn khi mình là người đứng giữa phải dung hòa các mâu thuẫn hiện nay. Nếu mẹ em hiểu và có thể thay đổi được bản thân để chồng em đồng ý tiếp tục ở rể là điều tốt nhưng nếu mẹ em vẫn quá khó tính và em cũng thấy rằng việc tiếp tục chỉ khiến mọi việc xấu đi thì nên tìm giải pháp ra ở riêng.
Bài viết đang được quan tâm hiện nay:
Không thể cho rằng ở chung là có hiếu còn ở riêng là bất hiếu, hơn nữa không nhất thiết em phải ở chung nhà thì mới phụng dưỡng được bậc sinh thành. Em nên trao đổi và bàn bạc với chồng về việc thuê hay mua nhà ra ở riêng gần với nhà mẹ đẻ để thuận tiện trong vấn đề qua lại hỏi thăm chăm sóc mẹ, nếu lo lắng việc mẹ ở một mình đêm hôm thì có thể tìm thuê người về ở cùng vừa để chăm sóc vừa để trông nom mẹ khi trái gió trở giời. Như vậy thì em vẫn có thể vừa có được một cuộc sống hạnh phúc, vừa làm tròn chữ hiếu và đặc biệt là chồng em không phải sống trong cảnh ở rể. Tuy nhiên, khi nhắc đến vẫn đề ra ở riêng thì em và chồng phải lưu ý đến một vẫn đề quan trọng đó là kinh tế. Bởi nếu tình trạng tài chính của vợ chồng em không được tốt thì sẽ là một sự khó khăn không nhỏ tác động đến việc duy trì cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.
Vấn đề ra ở riêng hay ở chung không phải là vấn đề lớn nhất và mang tính gây “ảnh hưởng lâu dài”. Quan trọng hơn là sự không hòa hợp, thiếu sự thấu hiểu, thông cảm giữa mẹ vợ và con rể. Nếu như ngay từ đầu những điều khiến chồng em không thể dung hòa được với sự khó tính của mẹ thì về lâu dài nó sẽ ẩn chứa nhiều nguy cơ mâu thuẫn và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hạnh phúc của em, khiến em phải khổ tâm suy nghĩ. Vì vậy em nên tìm mọi cách phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mình để hóa giải những điều còn tồn đọng trong mối quan hệ giữa mẹ em và chồng em.
Trong cuộc sống, muốn hạnh phúc trọn vẹn thì ai cũng phải hy sinh một phần cái tôi của mình. Mong rằng em sẽ hiểu cũng như sẽ khiến cho hai người mà em thương yêu nhất cũng cảm nhận được điều quan trọng này.
Thân ái!
Tư vấn bởi chuyên gia Linh Tâm. Tư vấn trực tiếp Tâm lý, Tình yêu, Hôn nhân, Giới tính, Sức khỏe sinh sản, Sức khỏe tình dục.
Đăng nhận xét